Ở góc độ tích cực, vay mượn mang ý nghĩa tương trợ, hỗ trợ nhau trong giai đoạn cần thiết. Trong bối cảnh kinh tế biến động, vay mượn không chỉ cần thiết trong lúc cấp bách, mà còn phục vụ cho sự phát triển kinh tế của cá nhân và tổ chức. Nhu cầu vay mượn càng lớn, nguồn vốn và giao dịch vay mượn càng đa dạng, được thực hiện dưới các hình thức hợp đồng vay tài sản.

Hợp đồng vay tài sản là gì? Thế nào là tranh chấp hợp đồng vay tài sản? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến tranh chấp hợp đồng vay tài sản thông qua bài viết này.

Thế nào là tranh chấp hợp đồng vay tài sản?

Theo quy định Điều 463 Bộ luật Dân 2015 thì hợp đồng vay tài sản được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên. Theo đó, bên cho vay giao tài sản cho bên vay. Khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định.

Căn cứ theo Điều 402 Bộ luật Dân 2015, hợp đồng vay tài sản có thể là hợp đồng song vụ hoặc hợp đồng đơn vụ tùy vào sự thỏa thuận giữa các bên. Thời điểm hợp đồng phát sinh hiệu lực cũng đồng thời phát sinh quyền và nghĩa vụ của các chủ thể liên quan.

Thông thường đối tượng của hợp đồng vay tài sản là một khoản tiền. Tuy nhiên cũng có thể là các loại tài sản khác mà cá nhân, tổ chức được phép sở hữu bao gồm cả bất động sản và động sản theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân 2015. Hình thức hợp đồng vay tài sản có thể bằng miệng, bằng văn bản do các bên tự do thỏa thuận lựa chọn phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế của nội dung hợp đồng. Thực tế, để hạn chế tranh chấp, các bên tham gia vào hợp đồng thường thực hiện ký kế hợp đồng bằng văn bản. Về phân loại, hợp đồng vay tài sản gồm có hợp đồng vay không kỳ hạn và hợp đồng vay có kỳ hạn. Nghĩa vụ của bên vay phụ thuộc vào kỳ hạn mà hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng.

Tranh chấp hợp đồng vay tài sản là sự mâu thuẫn, bất đồng ý kiến của một hoặc hai bên chủ thể hợp đồng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ liên quan đã thỏa thuận cùng nhau tại hợp đồng vay tài sản đã ký kết. Tranh chấp chủ yếu là liên quan đến việc thực hiện hoặc không thực hiện quyền và nghĩa vụ tự nguyện thỏa thuận. Hoặc cũng có thể xảy ra tranh chấp phát sinh từ nội dung của hợp đồng, giải thích từ ngữ hợp đồng, thực hiện hợp đồng, sửa đổi, bổ sung chấm dứt hợp đồng…

Các trường hợp tranh chấp hợp đồng vay tài sản thông thường là: Tranh chấp có liên quan đến chủ thể ký hợp đồng. Tranh chấp phát sinh nếu 2 bên vay chậm trả nợ. Tranh chấp khi không có giấy chứng nhận vay tài sản. Tranh chấp về lãi suất cho vay. Tranh chấp do hình thức giả tạo phát sinh của hợp đồng vay tài sản. Tranh chấp tài sản bảo đảm khoản vay.

Các loại tranh chấp hợp đồng vay tài sản thường gặp

Tranh chấp liên quan đến chủ thể ký hợp đồng

Hợp đồng vay tài sản phải được ký bởi chủ thể là cá nhân hay tổ chức có đầy đủ có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự. Tuy vậy, thực tế có nhiều hợp đồng không được ký bởi người không có thẩm quyền như là người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền. Hay do do thực hiện ký hợp đồng vượt quá phạm vi ủy quyền. Các hợp đồng vì thế có phát sinh tranh chấp pháp lý.

Tranh chấp do không có giấy giao nhận tiền, tài sản

Loại tranh chấp này thường xảy ra do khi các bên đã ký hợp đồng vay tài sản nhưng trong điều khoản của hợp đồng không ghi cụ thể việc giao nhận tiền. Và khi xảy ra tranh chấp, việc chứng minh có giao nhận tiền sau khi ký hợp đồng là một vấn đề khó khi bên còn lại không thừa nhận. Một khi Khi khởi kiện các tranh chấp này ra cơ quan tòa án giải quyết thì nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả tiền, nếu bị đơn thừa nhận đã nhận tiền thì nguyên đơn không phải chứng minh theo quy định tại Khoản 2 Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Tranh chấp về lãi suất cho vay

Đây là một loại tranh chấp phổ biến. Nguyên tắc của lãi suất do hai bên thỏa thuận. Bên đi vay thường rơi vào tình trạng cần tiền gấp để thực hiện một nghĩa vụ không thể trì hoãn, phải chấp nhận việc vay tiền với lãi suất cao nên khi mất khả năng thanh toán dẫn đến tranh chấp xảy ra, nhất là vay với các tổ chức tín dụng ngoài nhà nước.

Tranh chấp phát sinh khi bên vay chậm trả nợ

Thông thường, trong hợp đồng vay, các bên sẽ thỏa thuận và cam kết rõ ràng về số tiền vay, tài sản vay, lãi suất, thời điểm trả lãi suất… Tuy nhiên thực tế, các tranh chấp hợp đồng vay tài sản phát sinh khi bên vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ, trả tiền không đúng hạn. Và phức tạp hơn khi liên quan đến trách nhiệm trả nợ của vợ hoặc chồng…

Tranh chấp sản liên quan đến tài sản đảm bảo khoản vay

Các tài sản đảm bảo khoản vay rất đa dạng và vấn đề pháp lý liên quan đến tài sản đảm bảo cũng rất khó chứng minh. Vậy nên, khi xác lập hợp đồng vay, bên cho vay cũng cần xem xét, tìm hiểu kỹ giấy tờ trong trường hợp có tài sản bảo đảm, quy định vấn đề nghĩa vụ trả nợ của bên vay một cách rõ ràng, chi tiết để hạn chế tranh chấp sau này.

Các quy định của pháp luật trong hợp đồng vay tài sản

Pháp luật cho phép các bên được quyền thỏa thuận hợp đồng vay theo quy định tại Điều 463 của Bộ luật dân sự 2015. Tuy nhiên, sự thỏa thuận phải đảm bảo không vượt quá giới hạn cho phép của pháp luật. Bộ luật Dân sự 2015 quy định một số điểm cần tuân thủ trong hợp đồng vay tài sản như sau:

Quyền và nghĩa vụ của các bên

Quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng vay tài sản được quy định tại Điều 465 và Điều 466 Bộ luật Dân 2015. Theo đó:

Bên cho vay có nghĩa vụ giao tài sản cho bên vay đầy đủ, đúng chất lượng, số lượng vào thời điểm và địa điểm đã thỏa thuận. Bồi thường thiệt hại cho bên vay, nếu bên cho vay biết tài sản không bảo đảm chất lượng mà không báo cho bên vay biết, trừ trường hợp bên vay biết mà vẫn nhận tài sản đó. Không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn trừ trường hợp quy định tại Điều 470 của Bộ luật này hoặc luật có lien quan quy định khác.

Bên vay phải trả đủ tiền khi đến hạn, nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc.

Lãi vay và khoản chậm trả lãi vay

Điều 463 quy định lãi suất vay do các bên tự thỏa thuận.. Lãi suất có thể được tính theo đơn vị thời gian là năm, quý, tháng, tuần, ngày. Các bên trong hợp đồng được quyền thỏa thuận để ấn định mức lãi suất vay, tuy nhiên không dược vượt mức quá 20% của khoản vay. Mục đích của quy định về lãi suất nhằm hạn chế việc cho vay nặng lãi.

Bên cạnh đó, để ngăn việc lợi dụng tình trạng khó khăn không trả lãi đúng hạn, Điều 468 quy định, khi đến hạn, người vay phải trả đủ tiền cho bên cho vay khi đến hạn mà không trả hoặc trả nhưng không đầy đủ thì với khoản vay không có lãi, người vay phải trả lãi số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả trừ thoả thuận khác. Đối với khoản vay có lãi, phải trả lãi bằng 150% lãi suất cho vay theo hợp đồng tính trên nợ gốc quá hạn chưa trả tương ứng với thời gian chậm trả.

Thực hiện hợp đồng vay

Quy định về thực hiện hợp đồng được thể hiện tại Điều 469 và 470. Bộ luật Dân sự 2015. Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản. Bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý.

Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và không có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý, còn bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn, nếu được bên vay đồng ý. Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn, nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Bài viết đã cung cấp cho quý vị những điểm chính trong giao dịch hợp đồng vay tài sản. Trước khi ký kết hợp đồng vay tài sản cần tham khảo kỹ các quy định của pháp luật để tránh xảy ra tranh chấp không mong muốn. Đừng quên theo dõi và cập nhật những thông tin hữu ích trên trang web của chúng tôi. Khi cần, hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết hơn: letran@corporatecounsel.vn