Vai trò của hệ thống ngân hàng được ví như huyết mạch của cả nền kinh tế. Hoạt động của hệ thống ngân hàng giúp nguồn lực tài chính được luân chuyển, phân bổ và sử dụng có hiệu quả.  Từ đó kích thích kinh tế tăng trưởng một cách mạnh mẽ và bền vững.  Những năm gần đây do tình hình kinh tế phát triển chậm, với áp lực doanh số, hầu hết các ngân hàng đều áp dụng chính sách nới lỏng cơ chế vay và cho vay.  Hệ quả là sau một thời gian, những tổ chức tín dụng cho vay ồ ạt phát sinh nhiều món nợ quá hạn, nợ xấu ngân hàng gây tổn thất và làm tắt nghẽn dòng tín dụng trong nền kinh tế.  Nợ quá hạn, nợ xấu ngân hàng trở thành vấn đề trọng điểm hàng đầu, là điều không chỉ người vay lo ngại mà còn là mối nguy cơ đối với an toàn của hoạt động ngân hàng.

Tìm hiểu về nợ quá hạn, nợ xấu ngân hàng

Cho vay là nghiệp vụ chính và quan trọng đối với ngân hàng và các công ty tài chính.  Về cơ bản có thể hiểu trong hoạt động cho vay, nợ ngân hàng là hậu quả xấu phát sinh từ việc không thu hồi được lãi và khoản vay chính mà các ngân hàng, công ty tài chính đã cho vay.  Hay hiểu cách khác, nợ quá hạn, nợ xấu ngân hàng là các khoản nợ khó đòi mà người vay không thể và không có khả năng trả lãi hay vốn vay gốc khi đến hạn phải thanh toán như đã cam kết trong hợp đồng tín dụng với ngân hàng.  Nợ xấu, nợ quá hạn ngân hàng bao gồm các khoản vay thế chấp, vay tín chấp, vay trả góp cùng với các khoản vay khác.  Nợ quá hạn sẽ trở thành nợ xấu khi trả chậm hoặc không trả cả gốc lẫn lãi đúng theo thời gian quy định trên hợp đồng.  Cụ thể:

Nợ quá hạn.  Thông thường, khi tiến hành vay vốn, ngân hàng và bên đi vay  là cá nhân, tổ chức sẽ tiến hành ký kết hợp đồng vay. Đặc biệt trong hợp đồng ghi rõ về số tiền vay, thời gian, lãi suất, quy định cụ thể, quy ước thời hạn thanh toán tiền gốc và tiền lãi theo một thời điểm nhất định.  Tuy nhiên, do một số nguyên nhân, bên đi vay không đủ khả năng và không thanh toán đúng tiền lãi, tiền gốc theo đúng thời hạn đã thống nhất trong hợp đồng thì đó được gọi là nợ quá hạn.  Nợ quá hạn được phân thành 2 loại:

– Nợ quá hạn có tài sản thế chấp.  Đây là khoản nợ của cá nhân bên vay không thể thanh toán nợ gốc theo đúng thời hạn trong hợp đồng. Tuy nhiên, các khoản vay có tài sản đảm bảo thế chấp như nhà cửa, đất đai, xe cộ… vì vậy ngân hàng vẫn có khả năng thu hồi được vốn vay ban đầu.

– Nợ quá hạn không có tài sản thế chấp.  Hay còn gọi là nợ tín chấp.  Đây là khoản nợ của cá nhân đi vay vốn không cần thế chấp tài sản, không có khả năng trả lãi và gốc theo đúng hạn quy định nên thường ngân hàng sẽ có nguy cơ không thu hồi được tiền vốn ban đầu.

Nợ quá hạn sẽ trở thành nợ xấu khi trả chậm hoặc không trả cả gốc lẫn lãi đúng theo thời gian quy định trên hợp đồng.  Tùy vào mức độ nghiêm trọng, ngân hàng sẽ xếp vào các nhóm nợ xấu 3,4,5.

Nợ Xấu.  Theo khoản 8 Điều 3 Thông tư 11/2021/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản để xử lý rủi ro trong hoạt động của  tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài, nợ xấu  là nợ xấu nội bảng, gồm nợ thuộc các nhóm 3, 4 và 5 quy định tại Điều 10 Thông tư 11/2021/TT-NHNN là nhóm nợ tiêu chuẩn, nhóm nghi ngờ và nhóm khả năng mất vốn cao. Hay nói cách khác, nợ xấu là các khoản nợ quá hạn trả lãi hoặc gốc trên 90 ngày, đồng thời quy định các ngân hàng thương mại căn cứ vào khả năng trả nợ của khách hàng để hạch toán các khoản vay vào các nhóm thích hợp. Nợ xấu được xác định dựa vào hai yếu tố là quá hạn thanh toán trên 90 ngày và khả năng trả nợ đáng lo ngại.

Phân loại nhóm nợ xấu,  nợ quá hạn theo quy định

Căn cứ theo Điều 10 và Điều 11Thông tư 11/2021/TT-NHNN, nợ xấu nợ quá hạn ngân hàng được phân làm 5 nhóm:

Nhóm nợ đủ tiêu chuẩn.  Đây là nhóm nợ trong hạn, được đánh giá có khả năng thu hồi đầy đủ cả nợ gốc và lãi đúng hạn.  Khoản nợ có thời gian quá hạn dưới 10 ngày ngày và được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi bị quá hạn và thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi còn lại đúng thời hạn.

Nhóm nợ cần chú ý.  Đây là nhóm nợ đã chậm thanh toán khoản nợ đến 90 ngày theo nội dung hợp đồng tín dụng.  Khoản nợ của nhóm đã được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng điều chỉnh kỳ hạn trả nợ lần đầu còn trong hạn. Hoặc khoản nợ thuộc nhóm nợ cao hơn, hoặc thấp hơn nhưng đáp ứng đủ các điều kiện:  Bên vay đã trả đầy đủ phần nợ gốc và lãi quá hạn và nợ gốc và lãi của các kỳ hạn trả nợ tiếp theo kể từ ngày bắt đầu trả đầy đủ nợ gốc và lãi bị quá hạn, hoặc có đầy đủ tài liệu, hồ sơ chứng minh bên nợ đã trả nợ,  hoặc có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và lãi còn lại đúng thời hạn.

Nhóm nợ dưới tiêu chuẩn.  Nhóm nợ này bao gồm nợ đã chậm thanh toán khoản nợ từ 91 ngày đến 180 ngày. Khoản nợ lần đầu còn trong gia hạn, được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn dưới 30 ngày theo thời hạn trả nợ được cơ cấu. Khoản nợ được miễn hoặc giảm lãi do khách hàng không đủ khả năng trả lãi đầy đủ theo thỏa thuận của hợp đồng tín dụng.  Khoản nợ phải thu hồi theo quyết định thu hồi nợ trước hạn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do khách hàng vi phạm thỏa thuận với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa thu hồi được trong thời gian dưới 30 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi.

Nhóm nợ nghi ngờ.  Đây là nhóm nợ có độ tín nhiệm rất thấp bao gồm các khoản nợ đã quá hạn trả nợ từ 181 ngày đến 360 ngày.  Khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn đến 90 ngày theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu. Khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai còn trong hạn.  Khoản nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra, kiểm tra nhưng quá thời hạn thu hồi theo kết luận thanh tra, kiểm tra đến 60 ngày mà chưa thu hồi được.  Khoản nợ phải thu hồi theo quyết định thu hồi nợ trước hạn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do khách hàng vi phạm thỏa thuận với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa thu hồi được trong thời gian từ 30 ngày đến 60 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi.

Nhóm có khả năng mất vốn.  Đây là nhóm khả năng thu hồi nợ rất thấp, bao gồm các khoản nợ đã quá hạn trên 360 ngày.  Khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn đến 90 ngày trở lên theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu.  Khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai nhưng tiếp tục quá hạn theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần thứ hai.  Khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ ba trở lên.  Một số khoản nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra, kiểm tra nhưng quá thời hạn thu hồi theo kết luận thanh tra, kiểm tra trên 60 ngày mà chưa thu hồi.  Khoản nợ phải thu hồi theo quyết định thu hồi nợ trước hạn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do khách hàng vi phạm thỏa thuận với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa thu hồi được trên 60 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi.

Xử lý nợ quá hạn, nợ xấu ngân hàng theo quy định của pháp luật

Xử lý nợ quá hạn, nợ xấu là một trong những nghiệp vụ của Ngân hàng.  Về quy trình xử lý thì đó là quy trình nghiệp vụ của mỗi ngân hàng, quy định pháp luật không điều chỉnh.  Việc làm như thế nào là do ngân hàng quyết định, dựa trên nghiệp vụ của ngân hàng đó và các quy định có liên quan.  Tuy nhiên  các hoạt động xử lý nợ vẫn theo nguyên tắc và quy định của pháp luật.  Thông thường, quy trình xử lý nợ quá hạn của ngân hàng sẽ được thực hiện dựa trên nguồn cơ sở pháp lý:

– Quy định chung của Ngân hàng nhà nước về việc xử lý nợ quá hạn.

– Quy định riêng tại Điều lệ, Thoả thuận cho vay và Hợp đồng bảo đảm tiền vay của từng Ngân hàng.

Nguồn cơ sở pháp lý được xây dựng theo quy định của pháp luật tại Bộ luật Dân sự 2015 và Thông tư 11/201/TT-NHNN.  Điển hình trong xử lý nợ ngân hàng có các quy định:

Điều 299  Bộ luật Dân sự 2015 quy định các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm:

– Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

– Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.

– Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.

Điều 303 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp:

– Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây:  Bán đấu giá tài sản.  Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản.   Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm.  Phương thức khác.

– Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều này thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Điều 304 Bộ luật Dân sự 2015 quy định việc bán tài sản cầm cố, thế chấp:

– Việc bán đấu giá tài sản cầm cố, thế chấp được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.

– Việc tự bán tài sản cầm cố, thế chấp của bên nhận bảo đảm được thực hiện theo quy định về bán tài sản trong Bộ luật này.

Nợ ngân hàng có bị khởi kiện không?  Nợ bao lâu thì bị khởi kiện?

Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, cũng như trên thực tế triển khai của ngân hàng thì hoạt động cho vay tài sản luôn được xác lập thông qua hợp đồng tín dụng cho  vay.  Khoản vay của của người đi vay được xác định là nợ xấu sau thời gian nợ quá hạn quy định của pháp luật.  Người đi vay không thể trả được gốc hoặc trả lãi  khi đến hạn thanh toán theo như đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng, thì người đi vay phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.  Ngân hàng lúc này đã có thể khởi kiện người đi vay.  Tuy nhiên, thực tế, ngân hàng không khởi kiện ngay mà áp dụng các giải pháp nghiệp vụ đối với nợ quá hạn trước khi nhờ đến sự can thiệp từ bên ngoài.

Giải pháp khởi kiện không phải lúc nào cũng có thể áp dụng và áp dụng có hiệu quả được,  đặc biệt đối với các khoản nợ có giá trị nhỏ, khoản nợ không có tài sản bảo đảm. Mục đích của ngân hàng là thu hồi vốn nên ngân hàng sẽ tạo điều kiện cho người vay tiếp tục hoàn thành nghĩa vụ trả nợ.  Đó chính là việc cho phép gia hạn thêm thời gian trả nợ hoặc dùng các tài sản có giá trị để thu hồi khoản nợ.  Theo như quy định tại Điều 275 Bộ luật Dân sự thì thời gian trả nợ là 36 tháng.  Nếu trong 36 tháng người đi vay không hoàn thành nghĩa vụ trả nợ, ngân hàng sẽ khởi tạo hồ sơ và đưa ra toà án để xử lý, cũng như dùng các biện pháp cưỡng chế tài sản để thu hồi nợ.  Như vậy nếu nợ quá hạn trong vòng 36 tháng mà không trả nợ,  cá nhân và tổ chức đi vay sẽ bị ngân hàng khởi kiện.

Việc xử lý nợ xấu luôn là vấn đề khó khăn của ngân hàng cũng như của doanh nghiệp, cá nhân vay nợ.  Nâng cao ý thức về vay vốn và đặc biệt thực hiện thanh toán lãi suất, nợ gốc theo thời hạn hợp đồng, sử dụng vốn vay một cách hiệu quả, cố gắng giải quyết khoản nợ khi có phát sinh tránh sai phạm pháp lý là lưu ý dành cho cá nhân và tổ chức vay nợ.  Cùng tìm hiểu sâu hơn ở những bài viết tiếp theo.  Đừng quên theo dõi và cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích khác trên trang web của chúng tôi.  Khi cần, hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết hơn:  letran@corporatecounsel.vn