Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam cùng sự cải thiện về thủ tục hành chính cho nhà đầu tư nước ngoài, nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến để xây dựng và phát triển hoạt động kinh doanh của họ.  Ngoài việc thành lập dự án đầu tư mới, một số nhà đầu tư nước ngoài đã lựa chọn phương thức đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong tổ chức kinh tế đã được thành lập sẵn tại Việt Nam để có thể tiếp cận thị trường Việt Nam nhanh nhất.

Bài viết này sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài nắm rõ các quy định của pháp luật Việt Nam về việc nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế.

Định nghĩa

Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, gồm nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.  Tổ chức kinh tế là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh.  Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.

Theo quy định tại Luật Đầu tư 2020, tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác nếu tổ chức kinh tế đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  1. Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
  2. Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm (1) nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;
  3. Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm (1) nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

(sau đây gọi chung là Tổ chức Kinh tế Nước ngoài)

Tổ chức kinh tế không thuộc trường hợp trên thì thực hiện điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư trong nước khi đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác.

Điều kiện Góp vốn, Mua Cổ phần, Mua Phần Vốn góp

Nhà đầu tư được góp vốn vào tổ chức kinh tế theo hình thức mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần, hoặc góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, tổ chức kinh tế khác.  Ngoài ra, nhà đầu tư mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế theo hình thức mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông; mua phần vốn góp của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty hợp danh, hoặc tổ chức kinh tế khác để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn, hoặc tổ chức kinh tế khác. 

Việc nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các quy định, điều kiện sau đây:

  • Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.  Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước trừ trường hợp ngành, nghề đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế, hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động đầu tư, năng lực của nhà đầu tư, đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư, hoặc điều kiện khác theo quy định tại văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
  • Bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định;
  • Quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.

Đăng ký Góp vốn, Mua Cổ phần, Mua Phần Vốn góp

Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế trước khi thay đổi thành viên, cổ đông nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp làm tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế kinh doanh ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Ví dụ: Theo Cam kết gia nhập WTO của Việt Nam trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, đối với dịch vụ sản xuất phim (CPC 96112, trừ băng hình), nhà đầu tư nước ngoài chỉ được phép thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh với đối tác Việt Nam đã được phép cung cấp các dịch vụ này tại Việt Nam.  Phần vốn góp của phía nước ngoài không được vượt quá 51% vốn pháp định của liên doanh. 

Vì vậy, nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong trường hợp việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp làm tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp.

  • Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài, Tổ chức Kinh tế Nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của tổ chức kinh tế trong các trường hợp: tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới hoặc bằng 50% lên trên 50%; tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu trên 50% vốn điều lệ trong tổ chức kinh tế;
  • Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

Nhà đầu tư không thuộc trường hợp trên thì thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông, thành viên theo quy định của pháp luật có liên quan khi góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế.  Trường hợp có nhu cầu đăng ký việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế, nhà đầu tư thực hiện theo quy định trên đây.

Về quy trình, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp thuộc trường hợp phải đăng ký như trên phải nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp cho cơ quan đăng ký đầu tư nơi tổ chức kinh tế đặt trụ sở chính.  Sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký đầu tư xem xét việc đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp quy định.  Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới/ven biển, khu vực có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh thì cơ quan đăng ký đầu tư lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an về việc đáp ứng các điều kiện quy định điều kiện về bảo đảm quốc phòng, an ninh và điều kiện sử dụng đất.  Sau đó, cơ quan đăng ký đầu tư sẽ gửi thông báo cho nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp về việc chấp thuận hoặc không chấp thuận góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.

Nếu độc giả có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào về vấn đề đại diện trong doanh nghiệp, vui lòng liên hệ với các luật sư dày dặn kinh nghiệm của chúng tôi tại letran@corporatecounsels.vn