Đình công là một trong những quyền của người lao động được ghi nhận tại Hiến pháp. Người lao động (NLĐ) phải tuân theo các quy định của pháp luật về đình công như trình tự, thủ tục, chủ thể lãnh đạo đình công… Nếu không đúng thì cuộc đình công đó bất hợp pháp. Chỉ khi NLĐ đình công hợp pháp thì mới được pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích. Bài viết bàn luận về thực tiễn và các quy định hiện hành về đình công bất hợp pháp.
Quy định pháp luật lao động và thực tiễn về đình công bất hợp pháp.
Pháp luật quy định ranh giới rõ ràng giữa đình công hợp pháp và đình công bất hợp pháp nhằm ngăn ngừa, hạn chế thiệt hại cho người lao động và người sử dụng lao động (NSDLĐ) cũng như cho toàn xã hội. Quyền đình công của NLĐ được pháp luật Việt Nam chính thức ghi nhận tại Bộ luật Lao động 1994. Đình công được coi là biện pháp NLĐ sử dụng đấu tranh với NSDLĐ để đòi hỏi quyền và lợi ích. Theo số liệu thống kê từ Bộ LĐTBXH, tính đến năm 2021, cả nước có 6.364 cuộc đình công. Đỉnh điểm là năm 2008 và 2011 với 720 và 885 cuộc đình công. Theo Điều 204 Bộ luật Lao động 2019, 06 trường hợp đình công bất hợp pháp được ghi nhận là:
- Đình công không phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể về lợi ích. Các cuộc đình công này tranh chấp không vì lợi ích tập thể mà có thể là: Tranh chấp xuất phát giữa cá nhân NLĐ và NSDLĐ. Tranh chấp không xuất phát từ mâu thuẫn về lợi ích kinh tế, nghề nghiệp giữa tập thể lao động và NSDLĐ. Hoặc tranh chấp rơi vào cả hai trường hợp trên. Các trường hợp tranh chấp này không hợp pháp vì chỉ có xuất phát từ tranh chấp lao động tập thể về lợi ích tập thể thì cuộc đình công mới là hợp pháp.
- Đình công không do tổ chức đại diện NLĐ tổ chức và lãnh đạo. Tổ chức đại diện NLĐ bao gồm công đoàn và tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp. Pháp luật hiện hành bắt buộc NLĐ khi đình công phải có tổ chức đại diện lãnh đạo đình công, nhưng thực tế doanh nghiệp thường phổ biến các trường hợp: Không có tổ chức đại diện NLĐ, tranh chấp xảy giữa NLĐ và thành viên của tổ chức đại diện NLĐ. Và như thế không thể có tổ chức đại diện lãnh đạo đình công.
- Vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục tiến hành đình công. Trình tự thủ tục chuẩn bị đình công gồm lấy ý kiến, ra quyết định và thông báo thời điểm bắt đầu tiến hành đình công. Các công việc này do tổ chức đại diện NLĐ thực hiện. Không thực hiện đúng là vi phạm quy định.
- Khi tranh chấp đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân giải quyết theo quy định của Bộ luật Lao động. Với các tranh chấp lao động tập thể về lợi ích, pháp luật cho phép các bên có quyền lựa chọn giải quyết tại Hội đồng trọng tài lao động. Và khi tranh chấp đang được Hội đồng trọng tài, Hòa giải viên giải quyết thì đình công là bất hợp pháp.
- Do tiến hành tại doanh nghiệp không được đình công thuộc danh mục do Chính phủ quy định. 06 nhóm doanh nghiệp không được phép đình công là: Sản xuất, truyền tải, điều độ hệ thống điện. Thăm dò, khai thác, sản xuất, cung cáp dầu khí. Bảo đảm an toàn hàng không, an toàn hàng hải. Cung cấp hạ tầng thông tin và truyền thông. Cung cấp nước sạch, thoát nước, vệ sinh môi trường. Trực tiếp phục vụ, quốc phòng an ninh.
Hiện nay, thực tiễn các vụ đình công đều mang tính tự phát hoặc không tuân thủ đúng quy trình, trình tự nên NSDLĐ khó đáp ứng đầy đủ hồ sơ yêu cầu Tòa án xem xét tính hợp pháp cũng như có được quyết định của cuộc đình công.
Một số vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện pháp luật nhằm hạn chế đình công bất hợp pháp và các vấn đề liên quan.
Từ thực trạng các cuộc đình công, có thể thấy một số hạn chế và đưa ra kiến nghị khắc phục:
- Hoàn thiện pháp luật về tranh chấp lao động tập thể đan xen quyền và lợi ích. Ở Điều 179 BLLĐ 2019 cần bổ sung mục tranh chấp lao động tập thể đan xen và lợi ích, quy định về thẩm quyền và trình tự giải quyết cho loại tranh chấp này.
- Bổ sung cách thức đình công làm cơ sở phân định đình công hợp pháp và đình công bất hợp pháp. Tùy theo quy định của từng quốc gia, cách thức tiến hành đình công được xem là một trong các điều kiện để xem xét tính hợp pháp của một cuộc đình công. Hiện nay, pháp luật nước ta chưa có những quy định cụ thể, trực tiếp về hình thức đình công. Nên bổ sung quy định các hình thức đình công vào Điều 204 BLLĐ 2019.
- Hoàn thiện pháp luật về chủ thể có quyền tổ chức, lãnh đạo đình công làm cơ sở phân định đình công hợp pháp và đình công bất hợp pháp. Pháp luật quy định chủ thể có quyền tổ chức, lãnh đạo đình công là tổ chức đại diện NLĐ hợp pháp và thương lượng tập thể là một trong những hoạt động chính nhưng không phải bất kỳ tổ chức đại diện NLĐ nào cũng được quyền tiến hành, mà phải căn cứ vào tỷ lệ thành viên tối thiểu theo quy định tại Điều 68 BLLĐ 2019. Điều này gây mâu thuẫn khi tại Khoản 1 Điều 178 ghi nhận quyền thương lượng tập thể cho tổ chức đại diện NLĐ hợp pháp. Cần ban hành nghị định hướng dẫn cụ thể. Và bổ sung vào Điều 198 quyền lãnh đạo đình công của tổ chức đại diện NLĐ do NLĐ cử ra trong doanh nghiệp chưa có tổ đại diện NLĐ.
- Hoàn thiện pháp luật về cơ chế giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích ở các doanh nghiệp hoạt động không được đình công. Thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích ở các doanh nghiệp không được đình công còn khá phức tạp. Theo Điều 107 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, buộc phải giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích tại Hòa giải viên, cần bỏ đi vì không nhanh chóng và hiệu quả. Nên giải quyết tranh chấp tại Hội đồng trọng tài lao động theo luật định hoặc yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Điều này sẽ rút ngắn thời gian và hạn chế nguy cơ hình thành đình công bất hợp pháp.
- Thủ tục về xem xét tính hợp pháp của cuộc đình công. Thực tế các cuộc đình công hiện nay đều mang tính tự phát nên không tuân thủ đúng trình tự thủ tục về đình công. Khi yêu cầu Tòa án xem xét tính hợp pháp của cuộc NSDLĐ không đáp ứng đủ hồ sơ yêu cầu. Để khắc phục, cần quy định các hồ sơ như quyết định đình công, biên bản hòa giải của cơ quan có thẩm quyền chỉ là tài liệu đính kèm, không bắt buộc. Bởi NSDLĐ chỉ cung cấp các tài liệu chứng minh cho yêu cầu của mình chứ không có nghĩa vụ chứng minh tính hợp pháp của cuộc đình công. Cũng cần có quy định phù hợp việc bồi thường thiệt hại và xử phạt hành chính cho hành vi đình công bất hợp pháp của NLĐ nhằm tạo hiệu quả răn đe.
Đình công là một hiện tượng xã hội có hai mặt tích cực và tiêu cực tồn tại khách quan trong nền kinh tế thị trường. Việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật về đình công góp phần ngăn ngừa, hạn chế đình công bất hợp pháp, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, tạo sự yên tâm tin tưởng cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào Việt Nam.